Vừa qua, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiếp nhận sản phụ L.P.A., 20 tuổi, trong tình trạng ra máu âm đạo ồ ạt sau sinh thường 12 ngày. Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh nhưng da niêm mạc nhợt, biểu hiện thiếu máu rõ, huyết áp thấp, mạch nhanh. Thăm khám cho thấy tử cung co hồi kém, cổ tử cung đặt gạc chèn nhưng máu vẫn chảy đỏ từ buồng tử cung. Kết quả siêu âm phát hiện cấu trúc tăng âm trong buồng tử cung kích thước 78x10mm, xét nghiệm máu cho thấy huyết sắc tố chỉ còn 82 g/l.
Các bác sĩ chẩn đoán băng huyết muộn sau sinh, lập tức xử trí cấp cứu: nạo buồng tử cung, dùng thuốc tăng co, truyền 3 đơn vị hồng cầu khối và kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu vẫn không kiểm soát được, lượng máu mất thêm khoảng 300ml. Sản phụ được chuyển mổ khẩn cấp. Ekip do TS.BS Đỗ Tuấn Đạt chỉ huy đã phát hiện thêm vết xước cổ tử cung, khâu cầm máu, thắt động mạch cổ tử cung hai bên và đặt bóng chèn tử cung để kiểm soát chảy máu.
Tổng lượng máu truyền lên tới hơn 1.000ml hồng cầu khối, cùng plasma tươi và cryoprecipitate, cho thấy mức độ mất máu nghiêm trọng. Nhờ can thiệp kịp thời, sản phụ ổn định, hồi phục tốt và xuất viện sau 5 ngày.
Băng huyết muộn thường xảy ra từ 24 giờ đến vài tuần sau sinh. Dù ít gặp hơn băng huyết sớm, biến chứng này dễ bị bỏ qua vì sản phụ thường chủ quan đã "qua cơn sinh nở". Nguyên nhân thường gặp là sót rau, nhiễm trùng, rối loạn đông máu hoặc tử cung co hồi kém.
Trường hợp của sản phụ L.P.A. là lời cảnh báo rõ ràng: Sản phụ sau sinh, nhất là giai đoạn mới về nhà, nếu thấy ra máu âm đạo kéo dài, đột ngột nhiều, mệt lả, chóng mặt hoặc đau bụng tăng, cần đến bệnh viện ngay. Sự an toàn của người mẹ không chỉ dừng lại sau ca sinh mà còn phụ thuộc vào việc theo dõi hậu sản đúng cách và khám kịp thời khi có bất thường.