Trang chủ
Nóng
Video
Tư vấn
Menu
Trang chủ / Tư vấn dùng thuốc / Báo động tình trạng ngộ độc thuốc tân dược
Báo động tình trạng ngộ độc thuốc tân dược

Ngộ độc thuốc tân dược đang gia tăng nhanh chóng, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí cướp đi sinh mạng người bệnh.

Nhiều ca nguy kịch từ việc lạm dụng thuốc

Ngộ độc thuốc tân dược đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí cướp đi sinh mạng nếu không được xử trí kịp thời. Nguyên nhân chính đến từ việc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, lạm dụng, hoặc tự ý phối hợp nhiều loại mà không lường hết tác hại.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mới đây tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân N.T.K.T. (20 tuổi) uống hơn 20 viên thuốc giảm đau, hạ sốt, tái tạo da với ý định tự tử sau khủng hoảng tinh thần. May mắn, bệnh nhân được phát hiện và súc rửa dạ dày kịp thời, đã qua cơn nguy hiểm. BS.CKI Trịnh Việt Bắc – Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, việc nhập viện sớm là yếu tố then chốt giúp bệnh nhân được cứu sống.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 56 tuổi đã uống nhiều viên thuốc điều trị cao huyết áp kèm thuốc trừ sâu, nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp sâu và phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện liệu pháp ECMO – biện pháp hồi sức cuối cùng.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh có trường hợp bà L.T.M.N. (52 tuổi) cũng rơi vào hôn mê sâu, suy hô hấp sau khi uống 113 viên thuốc an thần. Nhờ phương pháp lọc máu hấp phụ, bà N. may mắn qua khỏi.

Hay trường hợp bệnh nhân T.H. (26 tuổi) nhập viện với đau thượng vị dữ dội, nôn ói liên tục sau khi uống gần 50 viên Ibuprofen. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, viêm tụy cấp, rối loạn điện giải – những biến chứng nguy hiểm điển hình do ngộ độc thuốc giảm đau liều cao.

Báo động tự tử bằng thuốc ở trẻ vị thành niên

Theo ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tình trạng trẻ từ 11–15 tuổi tìm đến cái chết bằng thuốc tân dược đang ở mức báo động. Nhiều em hành động bộc phát vì những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình hay học đường. "Ở lứa tuổi này, các em còn non nớt, tâm lý bất ổn nhưng lại dễ dàng tiếp cận thuốc. Vì vậy, sự quan tâm, theo dõi từ gia đình và nhà trường là cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa bi kịch" - bác sĩ Trang nhấn mạnh.

Bác sĩ Trịnh Việt Bắc cũng chỉ ra rằng, việc mua bán thuốc hiện nay diễn ra quá dễ dãi. Nhiều loại thuốc thông dụng hay thậm chí thuốc cần kê toa đều có thể mua dễ dàng ngoài tiệm thuốc. Điều này dẫn đến nhiều ca ngộ độc nguy hiểm, cả cố ý lẫn vô tình. "Dùng quá liều Paracetamol có thể gây tổn thương gan, suy gan cấp với tỷ lệ tử vong cao. Hay thuốc trị mất ngủ Amitriptyline nếu uống quá liều sẽ gây hôn mê, rối loạn nhịp tim và tử vong nhanh chóng", BS Bắc cảnh báo.

Để tránh tình trạng ngộ độc thuốc tân dược, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Các gia đình không nên tích trữ thuốc nguy hiểm trong nhà, đặc biệt với trẻ nhỏ hoặc người có vấn đề tâm lý. Khi phát hiện người thân có biểu hiện trầm cảm, sang chấn tâm lý, cần đưa đến các cơ sở y tế, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời. Việc trò chuyện, chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau trong gia đình và cộng đồng là chìa khóa để ngăn ngừa những hành vi đáng tiếc.

Bình luận bài đăng
Lưu thông tin và không hỏi lại lần sau
Tin liên quan
Hoàn toàn miễn phí
Tư vấn sức khỏe online
Đăng ký nhận các tin y tế mới nhất

Bằng việc đăng ký, bạn đồng ý với các điều khoản và chính sách thu thập dữ liệu của website.

Đăng ký nhận thông báo mới nhất từ chúng tôi

Cập nhật các tin tức mới và chính xác nhất về tình hình y tế, bệnh dịch trên toàn quốc