Theo người nhà, ngay sau khi bị ong đốt, bệnh nhân xuất hiện ban đỏ toàn thân, ngứa dữ dội, khó thở, tức ngực, buồn nôn. Gia đình đã nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện.
Bác sĩ Quách Thị Minh – Khoa Cấp cứu cho biết: "Bệnh nhân nhập viện lúc 6h25 trong tình trạng nổi ban toàn thân, khó thở, phù mắt, phù môi, huyết áp tụt. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ do ong đốt và lập tức được xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được theo dõi các chỉ số sinh tồn".
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nặng, đe dọa tính mạng, có thể xảy ra nhanh chóng sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, nọc độc, thuốc, thực phẩm dễ gây dị ứng (cá, tôm, hải sản…). Phản ứng này có thể gây tụt huyết áp, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời.
Để phòng ngừa, bác sĩ Quách Thị Minh khuyến cáo người dân cần thận trọng khi làm việc ở vườn, rừng; tránh xa tổ ong, không tự ý phá tổ ong. Nếu bị ong đốt, cần nhanh chóng loại bỏ vòi chích, rửa sạch vết đốt, chườm lạnh giảm sưng đau. Đặc biệt, nếu có dấu hiệu bất thường như khó thở, tức ngực, chóng mặt, cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.