Sản phụ N.T.N.T., 25 tuổi, mang thai đầu lòng, được phát hiện thai tăng cân chậm rõ rệt từ tuần thai thứ 30. Tuy nhiên, các chỉ số doppler và vận động thai vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nên bác sĩ hẹn tái khám định kỳ sát sao để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Tới tuần thai thứ 36, trong một lần khám thường quy, bác sĩ ghi nhận tim thai dao động kém khi theo dõi bằng máy monitor. Sản phụ được nhập viện ngay trong tối hôm đó, theo dõi sát tại Khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Biểu đồ tim thai trong những ngày đầu có lúc bình thường, có lúc dao động kém, không ổn định. Sau 4 ngày theo dõi, bác sĩ ghi nhận nhịp tim thai có dấu hiệu chậm bất thường.
BSCKI Bùi Chí Dũng – Khoa Phụ A5 cùng TS.BS Đỗ Tuấn Đạt – Trưởng Khoa Sản bệnh A4 đã tiến hành hội chẩn và quyết định mổ lấy thai cấp cứu để đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và bé.
Bé gái chào đời nặng 2,3kg. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện dây rốn dài khoảng 1 mét – gấp đôi chiều dài thông thường – và xoắn vặn nhiều vòng. Đây là yếu tố nguy cơ cao có thể cản trở lưu lượng máu qua bánh rau, gây thiếu oxy và dinh dưỡng cho thai nhi, thậm chí dẫn đến thai lưu.
Điều may mắn là độ dài bất thường của dây rốn đã giúp các vòng xoắn chưa siết chặt hoàn toàn. Nếu dây rốn ngắn hơn, sự xoắn vặn có thể nhanh chóng gây tắc dòng máu nuôi thai và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trước khi kịp can thiệp.
Trường hợp đặc biệt này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi thai kỳ sát sao, đặc biệt trong giai đoạn cuối. Theo các bác sĩ, máy monitor là công cụ hữu ích trong đánh giá sức khỏe thai nhi, giúp phát hiện sớm dấu hiệu suy thai. Đồng thời, khi thai nhi đạp yếu, giảm vận động hoặc không cử động như thường lệ, sản phụ cần đi khám ngay để tránh những biến chứng không thể lường trước.