Để giúp người dân chủ động phòng tránh, BSCKII Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã có những chia sẻ cũng như lưu ý về các bệnh thường gặp và biện pháp ứng phó mùa mưa bão.
Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, thời điểm mưa bão, đặc biệt khi xảy ra ngập úng kéo dài, môi trường sống bị ảnh hưởng toàn diện từ nước sinh hoạt, vệ sinh cá nhân cho đến thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus, côn trùng gây bệnh phát triển. Một số bệnh thường ghi nhận gia tăng rõ rệt là sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền bệnh, đặc biệt sau mưa lớn khi nước đọng hình thành các ổ loăng quăng. Các bệnh tiêu chảy cấp, tả, lỵ cũng dễ bùng phát do nguồn nước bị ô nhiễm bởi rác thải và chất thải sinh hoạt. Ngoài ra, cảm cúm, viêm hô hấp, các bệnh ngoài da và nhiễm trùng mắt do tiếp xúc với nước bẩn hoặc dùng chung vật dụng cá nhân cũng thường gặp trong giai đoạn này.
Đánh giá về nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão lũ, bác sĩ Tuấn cho rằng đây là mối nguy hiện hữu nếu không có sự chủ động kiểm soát. Khi hạ tầng bị hư hại, nước sạch bị ô nhiễm, người dân phải di dời đến nơi ở tạm với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, CDC Hà Nội đã xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh mùa mưa bão với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, trọng tâm là tăng cường giám sát dịch tễ tại cộng đồng, nhất là các khu vực trũng thấp dễ bị ngập úng, nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để khoanh vùng xử lý, không để dịch lan rộng. Trung tâm cũng đã triển khai các hoạt động hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường trước và sau mưa bão, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất khử khuẩn và trang thiết bị y tế cần thiết. Cán bộ y tế cơ sở được tập huấn kỹ năng nhận biết, xử trí sớm các bệnh dịch thường gặp sau thiên tai. Đặc biệt, CDC Hà Nội đã thành lập 8 đội cơ động y tế để hỗ trợ kịp thời các xã, phường trong công tác phòng chống dịch và xử lý các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Về phía người dân, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh vai trò chủ động phòng bệnh tại hộ gia đình. Mỗi người cần đảm bảo ăn chín uống sôi, lựa chọn thực phẩm an toàn và giữ vệ sinh cá nhân hằng ngày. Việc rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, là thói quen quan trọng giúp ngăn ngừa lây nhiễm nhiều loại bệnh. Sau khi tiếp xúc với nước lũ, cần rửa sạch và lau khô các kẽ chân để tránh nấm và viêm da. Cần tiêu diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước, loại bỏ phế thải có thể đọng nước như chai, lọ, lốp xe; đồng thời, thau rửa bể nước và sử dụng hóa chất khử trùng nguồn nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Người dân nên tránh lội nước bẩn. Trong trường hợp buộc phải di chuyển qua vùng ngập, cần mang ủng hoặc giày cao su, sau đó rửa sạch và lau khô chân. Khi trời trở lạnh hoặc bị ướt mưa, cần giữ ấm cơ thể để tránh cảm lạnh. Không nên dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải hay chậu rửa để hạn chế lây lan bệnh về mắt và da.
Đặc biệt, người dân cần chú ý các dấu hiệu bất thường như sốt cao, tiêu chảy, nổi ban, đau mắt… và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, nhất là thuốc kháng sinh hoặc truyền dịch tại nhà, vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" – trong bối cảnh thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên và bất thường, việc tuân thủ nghiêm các nguyên tắc vệ sinh, ăn uống hợp lý và giữ gìn môi trường sống sạch sẽ chính là hàng rào bảo vệ hiệu quả nhất cho sức khỏe cộng đồng.