Hình minh họa.
Bệnh nhân là nữ, sinh năm 2006, thường trú tại xã Nâm Nung (tỉnh Lâm Đồng), tạm trú tại phường Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân từng di chuyển qua lại giữa hai địa phương trong thời gian dài. Ngày 7/7, sau khi trở lại Buôn Ma Thuột, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi và có tự mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm. Ngày 10/7, bệnh nhân về lại Lâm Đồng, được đưa đến Trung tâm Y tế khu vực Krông Nô và chẩn đoán viêm họng, sốt chưa rõ nguyên nhân. Sau đó, người bệnh tiếp tục đau bụng, mệt nhiều, phải đi khám thêm tại một phòng khám tư. Đến ngày 12/7, tình trạng trở nặng, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6, tái sốc, tổn thương gan cấp, giảm tiểu cầu nặng, nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa.
Sau một ngày điều trị, gia đình đã xin chuyển viện tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trong tình trạng rất nặng với chẩn đoán: sốc Dengue nặng ngày thứ 7, suy đa tạng, tổn thương thận cấp, suy gan cấp, toan chuyển hóa nặng, viêm cơ tim, rối loạn đông máu, tràn dịch đa màng và viêm phổi màng phổi. Mặc dù được nhập viện và xử trí cấp cứu, nhưng bệnh nhân không qua khỏi, tử vong trên đường về nhà vào lúc 16h22 ngày 14/7.
Theo thống kê của CDC Đắk Lắk, tính đến ngày 18/7, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.600 ca mắc sốt xuất huyết. Các địa phương có số ca mắc cao tập trung tại Buôn Ma Thuột, Krông Pắc, Cư M'gar, Buôn Đôn và một số khu vực lân cận.
Ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, mỏi người, xuất huyết dưới da hoặc các triệu chứng nặng hơn như đau bụng dữ dội, nôn ói, lừ đừ, cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc tự điều trị tại nhà có thể bỏ lỡ "thời điểm vàng" để xử lý biến chứng, làm tăng nguy cơ sốc và tử vong.