Bệnh nhân B.Q.T., 56 tuổi, trú tại Hải Phòng, có tiền sử đái tháo đường type 2 đã điều trị 7 năm, kèm tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao liên tục 39–40 độ C, đau đầu dữ dội, lơ mơ và có dấu hiệu gáy cứng. Tại thời điểm vào Khoa Cấp cứu – cơ sở Thái Thịnh, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ (GCS 10 điểm), đường huyết tăng cao 14,7 mmol/L, huyết áp không ổn định, có dấu hiệu nhiễm trùng huyết và nghi ngờ viêm màng não. Bệnh nhân lập tức được đặt nội khí quản, sử dụng kháng sinh mạnh đường tĩnh mạch và chuyển tuyến đến Khoa Điều trị tích cực – cơ sở Tứ Hiệp để can thiệp chuyên sâu.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não mủ, chưa loại trừ đột quỵ não; đồng thời theo dõi áp xe gan, chưa loại trừ u gan. Các bệnh nền đi kèm bao gồm đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim và rối loạn lipid máu khiến tình trạng càng phức tạp hơn.
Phác đồ điều trị bao gồm kháng sinh phổ rộng liều cao (Meropenem phối hợp Vancomycin), phối hợp corticoid, manitol giảm phù não, thuốc chống huyết khối. Song song, bệnh nhân được kiểm soát chặt chẽ đường huyết, huyết áp và hỗ trợ hô hấp tích cực bằng thở máy và an thần sâu.
Kết quả cận lâm sàng ghi nhận phù não lan tỏa. Hình ảnh gan cho thấy nhiều khối giảm âm nghi áp xe hoặc u gan, tuy nhiên các xét nghiệm cấy máu, cấy nước tiểu đều âm tính. Mặc dù nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân bắt đầu giảm sốt, ý thức cải thiện dần.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn (GCS 15 điểm), tự thở bằng HFNC, hết sốt, huyết động ổn định. Dự kiến, bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị nội khoa, đồng thời theo dõi thêm tổn thương gan để xác định bản chất tổn thương.
Theo ThS.BS. Nguyễn Đăng Quân, viêm màng não mủ trên nền bệnh lý mạn tính như đái tháo đường là tình trạng rất nguy hiểm, có thể diễn tiến nhanh sang nhiễm trùng huyết, tổn thương thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí sớm. Trong trường hợp này, bệnh nhân được chẩn đoán đúng và chuyển tuyến kịp thời, nhờ đó giữ được tính mạng và có cơ hội hồi phục chức năng thần kinh.
Ca bệnh là lời nhắc cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của nhiễm trùng trên người có bệnh nền mạn tính. Người bệnh cần thăm khám sớm ngay khi có biểu hiện sốt, đau đầu, lơ mơ hoặc rối loạn ý thức, tránh trì hoãn vì có thể đánh mất "thời gian vàng" để cứu sống và hồi phục.