Dưới đây là các điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, Thông tư ban hành Danh mục 252 bệnh, nhóm bệnh được phép kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày. Đối với các bệnh này, bác sĩ được quyết định số ngày sử dụng tối đa đến 90 ngày cho mỗi thuốc, dựa trên tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của người bệnh, kể cả khi tài liệu chuyên môn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thứ hai, bổ sung nhiều trường thông tin bắt buộc trên đơn thuốc. Cụ thể, người bệnh cần có số định danh cá nhân hoặc CCCD/hộ chiếu; nếu đã cung cấp số định danh thì không cần ghi thêm giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú. Ngoài ra, bác sĩ phải ghi rõ số lượng thuốc dùng mỗi lần, số lần dùng mỗi ngày và tổng số ngày sử dụng.
Thứ ba, Thông tư điều chỉnh quy định khi người bệnh khám nhiều chuyên khoa trong một lượt khám. Bệnh viện có trách nhiệm quyết định người kê đơn duy nhất, đảm bảo người bệnh chỉ có một đơn thuốc, tránh trùng lặp, tương tác bất lợi và đảm bảo hiệu quả điều trị.
Thứ tư, mẫu sổ khám bệnh trước đây được bãi bỏ. Việc kê đơn và quản lý điều trị ngoại trú sẽ thực hiện trực tiếp trên hồ sơ bệnh án điện tử hoặc hồ sơ lưu tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Thứ năm, Thông tư cập nhật nhiều nội dung mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Luật Dược sửa đổi 2024. Trong đó nhấn mạnh việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy trình chuyên môn, đúng chẩn đoán, đúng chỉ định và đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm thu hồi, xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất trong trường hợp người bệnh không sử dụng hết hoặc tử vong.
Những quy định mới này kỳ vọng sẽ siết chặt hơn quy trình kê đơn, góp phần quản lý tốt hơn việc sử dụng thuốc trong cộng đồng, nâng cao chất lượng điều trị và an toàn cho người bệnh.