Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận cấp cứu một sản phụ 34 tuổi mang song thai 27 tuần, nhập viện trong tình trạng ra huyết âm đạo, hoa mắt, chóng mặt và ngất. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh Basedow, đang điều trị tăng huyết áp và trước đó một tuần đã được chẩn đoán rau bám thấp trong lần khám thai gần nhất.
Khi nhập viện, thai phụ được đưa vào Khoa Phụ sản trong tình trạng mắt lồi rõ, phù hai chân, chảy máu âm đạo, niêm mạc nhợt. Kết quả siêu âm cho thấy có hai thai trong buồng tử cung, trong đó một thai đã lưu, một thai sống nặng khoảng 900g. Hình ảnh siêu âm xác định một bánh rau bám mặt trước đáy tử cung, một bánh rau mặt sau với mép dưới bám sát lỗ trong cổ tử cung, điển hình cho rau tiền đạo.
Trước diễn tiến nguy kịch, ekip bác sĩ quyết định mổ cấp cứu. Quá trình phẫu thuật ghi nhận một thai đã chết, teo nhỏ; thai còn lại là bé trai nặng 800g, không khóc, phải hồi sức tích cực và chuyển đến Khoa Nhi để tiếp tục điều trị. Sản phụ mất nhiều máu do tử cung co hồi kém, được truyền 2 đơn vị máu và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để theo dõi tiếp.
Rau tiền đạo là tình trạng bánh rau bám vào đoạn dưới tử cung, che lấp một phần hoặc toàn bộ lỗ trong cổ tử cung – đường ra của thai nhi. Biến chứng này thường gặp ở quý 3 thai kỳ và có thể gây ra các đợt xuất huyết âm đạo đột ngột, không kèm đau, nhưng lại rất nguy hiểm. Nếu không phát hiện và can thiệp đúng lúc, rau tiền đạo có thể dẫn đến băng huyết trong thai kỳ hoặc sau sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé. Trong nhiều trường hợp, để cứu mẹ, bác sĩ buộc phải mổ lấy thai khi thai chưa đủ tháng, đồng nghĩa với nguy cơ sinh non và suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Nếu bánh rau bám chặt hoặc xuyên sâu vào cơ tử cung (rau cài răng lược), sản phụ có thể phải cắt tử cung để cầm máu, mất khả năng sinh con.
Các bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo, rau tiền đạo có thể được phát hiện từ tuần thai thứ 20 thông qua siêu âm. Với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại, bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí bánh rau để theo dõi sát thai kỳ. Đối với những thai phụ đã được chẩn đoán rau tiền đạo, cần tuân thủ lịch khám thai, nhập viện theo dõi và sinh con tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản, đầy đủ phương tiện cấp cứu và đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm. Việc phát hiện sớm và quản lý đúng sẽ góp phần bảo vệ an toàn cho cả thai phụ và thai nhi trong những tình huống thai kỳ phức tạp như rau tiền đạo.