Chăm sóc vết thương cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Thủng tạng rỗng là tình trạng cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời. Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông đã tiếp nhận một số trường hợp thủng tạng rỗng do viêm loét dạ dày - tá tràng, chấn thương vùng bụng... Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.T., 35 tuổi (trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị thủng do ổ loét trực tràng.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện và mệt mỏi. Trước đó, bệnh nhân đã có biểu hiện táo bón, đau rát hậu môn nhiều ngày. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành thăm khám, cận lâm sàng và xác định có dấu hiệu thủng tạng rỗng. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Trong mổ, kíp phẫu thuật ghi nhận lỗ thủng tại trực tràng, tiến hành khâu phục hồi và làm hậu môn nhân tạo tạm thời để đảm bảo an toàn.
Ca mổ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau mổ, người bệnh được chăm sóc tại Khoa Ngoại với chế độ dinh dưỡng phù hợp, thay băng, kiểm soát nhiễm khuẩn và phục hồi chức năng tiêu hóa. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, đủ điều kiện xuất viện. Ba tháng sau, bệnh nhân tái khám và đủ điều kiện để đóng lại hậu môn nhân tạo, trở lại sinh hoạt bình thường.
Theo BSCKI Đặng Quốc Cường, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Liên chuyên khoa, thủng tạng rỗng có thể xuất phát từ loét dạ dày - tá tràng, viêm ruột, tắc ruột hoặc chấn thương. Khi xảy ra thủng, dịch tiêu hóa tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng nặng và nguy cơ tử vong nếu không xử trí kịp thời. Với những ca phức tạp, hậu môn nhân tạo tạm thời là giải pháp cứu sinh, giúp bảo vệ vết mổ và tạo điều kiện cho ruột phục hồi.
Bác sĩ khuyến cáo, khi có dấu hiệu như đau bụng dữ dội, nôn, sốt cao, bí trung đại tiện… người dân nên đến cơ sở y tế sớm để được xử lý kịp thời. Việc chủ động tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý tiêu hóa là cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này.