Viêm cầu thận là tình trạng viêm tại các đơn vị lọc vi thể của thận, gây suy giảm chức năng lọc chất thải, có thể dẫn tới suy thận nếu không được điều trị kịp thời. Theo ThS.BS. Cao Thị Như - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết các trường hợp viêm cầu thận là do yếu tố mắc phải, không phải do di truyền.
Các nguyên nhân thường gặp gồm nhiễm trùng (như liên cầu khuẩn sau viêm họng), rối loạn tự miễn (như lupus ban đỏ hệ thống), hoặc do bệnh mạn tính như đái tháo đường và tăng huyết áp không kiểm soát.
Tuy nhiên, có một số trường hợp viêm cầu thận di truyền, tiêu biểu là hội chứng Alport – bệnh lý gen ảnh hưởng đến thận, thính lực và thị lực. Với những gia đình đã được xác định có người mắc bệnh thận di truyền, việc tầm soát và tư vấn gen là rất cần thiết.
Ngoài ra, có hiện tượng "xu hướng gia đình", tức nhiều thành viên cùng mắc bệnh do kết hợp giữa yếu tố gen và môi trường sống – không đồng nghĩa với di truyền trực tiếp.
Dấu hiệu cảnh báo viêm cầu thận bao gồm: phù mặt, chân; tiểu máu; nước tiểu có bọt lâu tan; huyết áp cao bất thường; mệt mỏi, buồn nôn và giảm lượng nước tiểu. Các triệu chứng có thể tiến triển âm thầm, nên cần chủ động kiểm tra sức khỏe khi có nghi ngờ.
Khuyến nghị của bác sĩ: Người có tiền sử bệnh thận hoặc các dấu hiệu bất thường kể trên nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sớm để được chẩn đoán và điều trị, tránh để bệnh diễn tiến thành suy thận mạn. Phát hiện sớm đóng vai trò then chốt trong bảo tồn chức năng thận và nâng cao chất lượng sống.