Một bé gái 7 tuổi vừa được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài sau khi đi tắm suối. Qua thăm khám, bác sĩ xác định nguyên nhân là do đỉa chui vào vùng kín và bám trong âm đạo, gây tổn thương niêm mạc và tiết chất chống đông máu khiến máu chảy liên tục, khó cầm.
Ngay lập tức, ê-kíp bác sĩ chuyên khoa do ThS.BSCKII Nguyễn Thị Hiếu – Trưởng khoa Khám bệnh – phối hợp với các bác sĩ Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Xuân Huỳnh cùng đội Gây mê hồi sức đã tiến hành gây tê, kiểm tra vùng kín, làm sạch vết thương, xử lý tổn thương do ký sinh trùng để tránh nguy cơ nhiễm trùng, mất máu và biến chứng sâu hơn.
Theo các bác sĩ, loài đỉa khi xâm nhập cơ thể có thể tiết ra hirudin – chất chống đông máu mạnh – khiến tình trạng chảy máu kéo dài. Đối với trẻ nhỏ, điều này đặc biệt nguy hiểm vì thể tích máu thấp, dễ dẫn đến tụt huyết áp, sốc mất máu hoặc nhiễm trùng nặng nếu không phát hiện và xử lý kịp thời.
Đây là trường hợp điển hình cảnh báo nguy cơ mất an toàn khi cho trẻ tiếp xúc với nguồn nước tự nhiên không được kiểm soát như sông, suối, ao hồ – đặc biệt là những vùng nước tù, rậm rạp, có thể là nơi cư trú của nhiều ký sinh trùng nguy hiểm như đỉa, sán, nấm…
Khi thấy trẻ có biểu hiện chảy máu bất thường ở vùng kín, đau, ngứa hoặc khó chịu sau khi đi bơi, tắm suối, phụ huynh tuyệt đối không nên tự xử lý tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và xử trí đúng cách.
Khuyến cáo phòng ngừa:
Không cho trẻ tắm ở vùng nước tự nhiên không đảm bảo vệ sinh.
Mặc đồ bơi kín, sạch sẽ khi tham gia các hoạt động dưới nước.
Luôn theo dõi sát sức khỏe trẻ sau khi vui chơi ngoài thiên nhiên, đặc biệt là các dấu hiệu bất thường vùng kín.
Trang bị kiến thức sơ cấp cứu và chủ động đưa trẻ đi khám nếu nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng.