Bệnh cảnh phức tạp với nhiều yếu tố nguy cơ
Bệnh nhân là bà T.T.Đ. (72 tuổi), cư trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Trước đó, bà từng phẫu thuật cắt u thùy phải tuyến giáp vào năm 2007 và được theo dõi định kỳ với chẩn đoán u lành tính. Đồng thời, bệnh nhân có bệnh nền suy tim độ III kéo dài 10 năm, đang điều trị bằng thuốc theo đơn của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Thời gian gần đây, bệnh nhân nhận thấy khối u vùng cổ to dần, kèm theo khó thở nhẹ nhưng chưa điều trị. Trước khi nhập viện hai ngày, tình trạng khó thở tăng dần, xuất hiện nuốt vướng và thở rít, buộc phải ngủ trong tư thế ngồi.
Sau khi được chuyển từ Bệnh viện Tim Hà Nội sang Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, các bác sĩ phát hiện khối u tuyến giáp có kích thước 6x8 cm, nằm giữa thực quản phía sau và màng khí quản phía trước, khiến khí quản bị chèn ép nặng. Đường thở của bệnh nhân chỉ còn khoảng hẹp 2mm trên đoạn dài 20mm, kéo dài từ góc hàm phải đến trung thất trên, gây biến dạng nghiêm trọng giải phẫu vùng cổ và ngực. Khí quản bị đẩy lệch trái 2cm, xẹp mềm và dễ co thắt.
Khối u có đặc điểm tăng sinh mạch mạnh, làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật. Trước tình trạng này, bệnh nhân buộc phải thở oxy liên tục để duy trì sự sống.

Hình ảnh khối u chèn ép khí quản và thực quản
Quyết định mổ cấp cứu và những thách thức trong phẫu thuật
Trước nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp kịp thời, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa giữa Khoa Ngoại Đầu cổ và Khoa Gây mê Hồi sức đã được tổ chức khẩn cấp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc bệnh viện. Các bác sĩ thống nhất phương án phẫu thuật cấp cứu trong điều kiện hết sức rủi ro.
TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa – Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ cho biết: "Đây là một khối u lành tính nhưng có vị trí cực kỳ hiếm gặp và phức tạp. Bệnh nhân lại có nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi cao, tiền sử phẫu thuật tuyến giáp, bệnh tim mạch và viêm phổi hai bên. Quá trình gây mê, mổ và hồi sức đều đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa."
Theo BSCKII. Hà Kim Hảo – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, quá trình gây mê gặp nhiều khó khăn do khí quản bị lệch và quá hẹp. Các bác sĩ buộc phải sử dụng ống nội khí quản kích thước nhỏ, đồng thời chuẩn bị sẵn đầy đủ thuốc, trang thiết bị cấp cứu và đánh giá kỹ tình trạng tim phổi trước khi tiến hành phẫu thuật.
Trước mổ, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng oxy, kháng sinh, thuốc chống viêm corticoid và các biện pháp hỗ trợ khác.
3 giờ căng thẳng và thành công ngoài mong đợi
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 26/6/2025, kéo dài hơn 3 giờ. Ekip mổ đã phải "đi ngược dòng", lần theo các cấu trúc giải phẫu vốn đã biến dạng để tiếp cận và bóc tách khối u. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ kiểm soát chặt chẽ mạch máu, cầm máu triệt để và thực hiện bóc tách tỉ mỉ để loại bỏ toàn bộ khối u, đồng thời không gây tổn thương thực quản, khí quản, thanh quản – đặc biệt không cần mở khí quản như nhiều trường hợp tương tự.

Ekip phẫu thuật tiến hành bóc tách khối u nằm ở vị trí khó
Sau mổ, bệnh nhân được chuyển đến đơn vị hồi sức tích cực, duy trì an thần và thở máy. Chỉ sau 3 ngày, bà đã có thể tự thở, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại.
Chia sẻ trong xúc động, bệnh nhân nói: "Trước ca mổ, tôi và gia đình vô cùng lo lắng. Nay được thở bình thường trở lại, tôi như sống lại lần nữa. Xin cảm ơn các bác sĩ đã cứu tôi qua cơn hiểm nghèo."

Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân có thể tự thở và sinh hoạt bình thường
Khẳng định năng lực chuyên sâu của y tế tuyến đầu
Ca phẫu thuật thành công không chỉ giúp cứu sống bệnh nhân mà còn một lần nữa khẳng định năng lực chuyên môn cao, tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Đây cũng là minh chứng rõ nét cho vai trò của y tế chuyên sâu trong xử trí các ca bệnh phức tạp, với mục tiêu không chỉ cứu sống mà còn đảm bảo chất lượng sống lâu dài cho người bệnh.