Sữa mẹ là "thực phẩm vàng" đặt nền móng cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời không chỉ mang lại lợi ích lớn lao cho bé mà còn giúp người mẹ tăng cường thể chất, tinh thần sau sinh.
Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo mà còn được ví như "thực phẩm sống" - giàu kháng thể, enzyme, hormone và tế bào miễn dịch - có khả năng biến đổi linh hoạt để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ đáp ứng đầy đủ protein, chất béo, đường, vitamin, khoáng chất và nước theo tỷ lệ lý tưởng, rất dễ hấp thu đối với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, sữa mẹ chính là "vaccine tự nhiên" đầu tiên và hiệu quả nhất. Sữa mẹ chứa hàng triệu tế bào sống, các kháng thể như IgA, IgG, IgM cùng nhiều enzyme và hormone đặc biệt mà không loại sữa công thức nào có thể sao chép. Những yếu tố này góp phần xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm hô hấp, nhiễm trùng tai hay cảm cúm. Trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng ít phải nhập viện hơn so với trẻ bú sữa công thức.
Ngoài tác dụng tăng cường miễn dịch, sữa mẹ còn giúp phát triển trí não vượt trội nhờ các dưỡng chất thiết yếu như DHA, ARA và choline - đóng vai trò quan trọng trong hình thành não bộ và võng mạc. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ bú mẹ có chỉ số IQ cao hơn, khả năng nhận thức và học tập tốt hơn trong những năm đầu đời. Bên cạnh đó, enzyme tiêu hóa và prebiotics trong sữa mẹ hỗ trợ hoạt động đường ruột, giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng, giảm tình trạng táo bón, đầy hơi hay trào ngược.
Lợi ích của sữa mẹ còn kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bú mẹ giúp điều hòa chuyển hóa, giảm nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường type 1 và 2, tim mạch, dị ứng và hen suyễn. Bú mẹ đúng cách còn hỗ trợ phát triển xương hàm, giảm lệch khớp cắn và các vấn đề răng miệng về sau.
Không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ, việc cho con bú còn giúp người mẹ phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Khi trẻ bú, tử cung co bóp hiệu quả hơn, giúp giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Đồng thời, quá trình tiết sữa tiêu hao nhiều năng lượng, hỗ trợ mẹ lấy lại vóc dáng sau sinh.
Theo bác sĩ Trang, những phụ nữ cho con bú còn có nguy cơ thấp hơn mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và tiểu đường type 2. Đặc biệt, hormone oxytocin tiết ra trong quá trình cho con bú giúp tăng cường tình mẫu tử, đồng thời làm dịu thần kinh, giảm stress và nguy cơ trầm cảm sau sinh. So với sữa công thức, sữa mẹ cũng tiết kiệm thời gian, chi phí, luôn sẵn sàng ở nhiệt độ phù hợp mà không cần pha chế hay tiệt trùng dụng cụ phức tạp.
Để hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thành công, người mẹ cần trang bị kiến thức đầy đủ và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, cán bộ y tế và cộng đồng.
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế, nuôi con bằng sữa mẹ nên tuân theo nguyên tắc "1 + 6 + 24", trong đó "1" là cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; "6" là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; "24" là tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Việc cho bú sớm giúp trẻ tiếp nhận sữa non giàu kháng thể, đồng thời kích thích sữa mẹ về sớm và dồi dào. Cho trẻ bú theo nhu cầu - bất cứ khi nào trẻ có dấu hiệu đói - giúp duy trì nguồn sữa ổn định. Người mẹ cũng cần chú ý tư thế bú đúng để bé ngậm vú hiệu quả, bú no mà mẹ không bị đau rát.
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời là hành trình yêu thương, cần sự kiên trì và nỗ lực bền bỉ. Nhưng phần thưởng mà người mẹ nhận lại chính là hình ảnh con yêu lớn lên khỏe mạnh, phát triển từng ngày - một nền tảng quý giá cho tương lai vững vàng của bé.