Suy thận
Bệnh thận mạn tính gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, có trên 8,7 triệu người bị suy thận mạn, tương đương khoảng 12,8% dân số trưởng thành. Suy thận mạn không chỉ gây ra vấn đề về sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế vô cùng lớn khi chi phí điều trị suy thận mạn giai đoạn từ 3-5 thường vượt mức GDP bình quân đầu người Việt Nam khoảng 1,3-3,7 lần (theo kết quả nghiên cứu của một cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh).
Trong khi suy thận cấp xảy ra nhanh chóng và nếu được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể đảo ngược được tình thế, tức là thận hồi phục hoàn toàn thì suy thận mạn sẽ tiến triển âm thầm và không triệu chứng cho đến khi chức năng thận bị mất đáng kể. Lúc này, người bệnh buộc phải điều trị duy trì để làm chậm tốc độ mất chức năng. Cuối cùng, người ta cần chạy thận nhân tạo hoặc thay thận để duy trì sự sống. Có đến 80% bệnh nhân bị suy thận ở những giai đoạn sớm không được chẩn đoán vì triệu chứng diễn ra thầm lặng.

Nguyên nhân gây suy thận
Hầu hết bệnh thận là do mắc phải chứ không phải vấn đề về gene. Với vai trò là nhà máy siêu lọc của cơ thể với lượng máu khổng lồ "chạy ngang" qua mỗi ngày, những thay đổi nhỏ nhưng kéo dài liên tục về huyết động (ví dụ tăng áp lực lọc trong tăng huyết áp) hoặc các chất tan trong máu (ví dụ sử dụng nhiều chất kích thích, đường huyết cao, ăn đồ ăn thức uống có chứa nhiều chất hòa tan như đường, muối, sử dụng thuốc liên tục đặc biệt là các loại thuốc gây độc cho thận, thậm chí là thuốc nam, thuốc đông y sử dụng dài ngày) đều có thể gây tổn thương thận và dần dần làm mất chức năng lọc.
Hai nguyên nhân hàng đầu của suy thận mạn chính là đái tháo đường và tăng huyết áp. Khi bệnh tật ngày càng trẻ hóa còn tuổi thọ trung bình thì tăng lên, thời gian sống chung với bệnh mạn tính dài hơn, nhất là trong điều kiện bệnh tật không được kiểm soát thì tỷ lệ mắc bệnh thận mạn sẽ có xu hướng ngày càng tăng, trẻ hóa ở người bênh.

Các thói quen xấu hại thận - đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Bên cạnh các bệnh mạn tính như đái tháo đường và tăng huyết áp, thận còn thường phải "chịu trận" hàng ngày với vô vàn thói quen xấu. Mặc dù không trực tiếp gây suy thận trong ngày một ngày hai, nhưng các thói quen thiếu lành mạnh có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn trong dài hạn và/hoặc làm tăng nguy cơ sỏi thận/ sỏi tiết niệu, nhiễm trùng đường niệu, từ đó khiến chức năng thận dần suy giảm.
Một số thói quen có hại cần được thay thế để bảo vệ sức khỏe của nhà máy siêu lọc trong cơ thể:
Lạm dụng thuốc và/hoặc tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của nhân viên y tế, sử dụng thuốc đông y dài ngày:
Thận là cơ quan thải trừ của hầu hết các chất đưa vào cơ thể. Việc sử dụng dài ngày thuốc hoặc ngay cả các loại lá nam cũng nên cân nhắc và tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh việc lạm dụng gây quá tải và tổn thương thận.
Một số thuốc giảm đau hoặc kháng sinh (được sử dụng khá phổ biến như ibuprofen, naproxen, kháng sinh aminoglycosid…) có thể gây giảm tưới máu thận, viêm thận kẽ, giảm chức năng lọc cầu thận và gây suy thận cấp trong một số rất ít các trường hợp. Mặc dù tỷ lệ mắc phải là rất thấp nhưng không nên tự ý dùng, đặc biệt là việc sử dụng dài ngày.
Nếu bạn gặp vấn đề sức khỏe nào đó thường xuyên, việc thăm khám tại cơ sở y tế, điều chỉnh lối sống để xử lý tận gốc vấn đề sẽ tốt hơn là tự ý sử dụng thuốc không kê đơn để giải quyết triệu chứng hoặc tự dùng các biện pháp dân gian.
Uống ít nước, thay nước lọc bằng đồ uống nhiều chất kích thích, nước ngọt
Nước lọc không nên bị thay thế trong thói quen hằng ngay. Uống đủ nước là thói quen tốt giúp duy trì cơ chế lọc bình thường ở thận và giúp đào thải các chất không cần thiết ra khỏi cơ thể. Việc không bổ sung đủ nước, lại dùng nhiều nước ngọt, chất kích thích không chỉ khiến thận bị quá tải mà còn làm tăng nồng độ chất tan trong nước tiểu, giảm hiệu quả lọc và tăng nguy cơ sỏi thận.
Để góp phần duy trì chức năng thận khỏe mạnh, mỗi người trường thành cần đảm bảo lượng nước đưa vào cơ thể từ 1,5-2 lít mỗi ngày, hạn chế tối đa nước ngọt, đồ uống có ga, chất kích thích.
Nhịn tiểu thường xuyên
Mặc dù không trực tiếp gây hại cho thận nhưng nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu là một trong các nguyên nhân gây tắc đường dẫn nước tiểu làm ứ nước tại thận và có khả năng dẫn đến suy thận cấp.
Nhịn tiểu lâu ngày còn tạo ra môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển dẫn đến nhiễm trùng đường niệu, ngoài ra, nó cũng gây giãn cơ bàng quang và rối loạn phản xạ tiểu thông thường, dần dần có thể dẫn đến chứng bàng quang tăng hoạt OAB.
Như vậy, các thói quen tưởng chừng vô hại như uống ít nước, nhịn tiểu, ăn đồ ăn nhiều đường, muối, uống nước ngọt,… đều ảnh hưởng xấu đến cơ thể mỗi ngày và cần được điều chỉnh trước khi chúng gây ra các vấn đề mạn tính cùng biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận. Biết điều chỉnh những thói quen nhỏ mỗi ngày và lắng nghe các dấu hiệu từ cơ thể trước khi quá muộn chính là chiếc chìa khóa đầu tiên để kiến tạo một cuộc sống khỏe mạnh.