Theo Bệnh viện Nhi Hà Nội, khác biệt lớn nhất là trẻ thường không biết cách diễn đạt hoặc cầu cứu khi có "vấn đề trong lòng". Vì vậy, phát hiện sớm là chìa khóa giúp can thiệp hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Những dấu hiệu cảnh báo sớm cần đặc biệt lưu tâm
Trẻ thay đổi tính cách một cách đột ngột
Trẻ vốn năng động bỗng trở nên trầm lặng, ít nói; hoặc từ vui vẻ chuyển sang cáu gắt, dễ nổi giận, phản ứng thái quá với các tình huống thông thường. Những thay đổi này không liên quan đến sự trưởng thành bình thường, mà có thể là dấu hiệu của rối loạn cảm xúc.
Trẻ có xu hướng thu mình, né tránh giao tiếp
Trẻ né tránh ánh mắt khi nói chuyện, không trả lời khi được hỏi, hoặc giảm dần nhu cầu chơi với bạn bè. Việc tự cô lập khỏi môi trường xã hội có thể là dấu hiệu sớm của lo âu xã hội, trầm cảm hoặc các khó khăn trong điều tiết cảm xúc.
Trẻ hay mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ kéo dài
Con thường xuyên than đau đầu, đau bụng nhưng không có nguyên nhân y khoa rõ ràng. Trẻ ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc cũng là biểu hiện thường gặp trong các rối loạn tâm lý.
Thành tích học tập suy giảm bất thường
Trẻ mất tập trung, không còn hứng thú học tập, sợ đến trường hoặc thường xuyên tìm cách nghỉ học. Những biểu hiện này cần được phân biệt rõ với sự "lười biếng" đơn thuần, vì đôi khi đó là cách cơ thể trẻ phản ứng lại những áp lực tâm lý đang gặp phải.
Trẻ có biểu hiện ăn uống thất thường
Trẻ ăn quá nhiều, ăn vô độ hoặc bỏ ăn, chán ăn kéo dài. Sự thay đổi đột ngột trong hành vi ăn uống có thể liên quan đến các rối loạn về hình ảnh cơ thể, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Trẻ tự làm đau bản thân hoặc có suy nghĩ tiêu cực
Các hành vi như cào cấu tay chân, cắn móng tay đến chảy máu, đánh vào đầu, hoặc thường xuyên nói những câu như "Con không muốn sống" không nên bị xem nhẹ. Đây là tín hiệu khẩn cấp, cần được can thiệp chuyên môn ngay lập tức.
Trẻ sợ hãi quá mức hoặc phi lý
Trẻ sợ bóng tối, sợ người lạ, sợ bị bỏ rơi hoặc xuất hiện các nỗi sợ không có nguyên nhân rõ ràng. Khi mức độ sợ hãi ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, rất có thể trẻ đang đối mặt với rối loạn lo âu.
Khi nào cần gặp chuyên gia?
Nếu những dấu hiệu trên kéo dài trên hai tuần, cha mẹ nên chủ động liên hệ với chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần trẻ em. Việc đánh giá đúng tình trạng tâm lý sẽ giúp can thiệp kịp thời, mang lại hiệu quả bền vững và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Trẻ em có quyền được khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Hành động sớm của cha mẹ hôm nay có thể cứu lấy một tương lai đầy hy vọng của con ngày mai.